Lượt xem: 133

Sóc Trăng chủ động phương án phòng, chống sạt lở ngay trong mùa khô

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở đê sông, đê biển hiện không chỉ xảy ra vào mùa mưa lũ mà ngay cả trong mùa khô. Chính vì vậy mà thời điểm này, song song với công tác ứng phó với diễn biến phức tạp của mặn xâm nhập, việc chủ động phòng, chống nguy cơ sạt lở cũng được các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng rất quan tâm.

 


Rà soát, đánh giá hiện trạng sạt lở tại đê biển Vĩnh Châu

 

    Toàn tuyến đê biển Vĩnh Châu có chiều dài khoảng 50 km, với khoảng 15.000 hộ dân sinh sống bên trong đê. Để đảm bảo an toàn cho tuyến đê biển quan trọng của tỉnh, thời gian qua, tranh thủ sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh, Sóc Trăng đã triển khai hàng loạt các dự án nâng cấp. Tiêu biểu là việc đầu tư xây dựng hệ thống kè chống sạt lở bằng cọc bê tông ly tâm kết hợp đá hộc, tại đoạn từ K39 đến K45 thuộc địa bàn xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu với chiều dài được gia cố gần 1,5 km và đoạn giáp ranh tỉnh Bạc Liêu trên địa bàn xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu với chiều dài tuyến là 2,2 km. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, công trình đã phát huy rõ tác dụng, vừa khắc phục sạt lở và giữ phù sa bồi đắp tạo bãi tái sinh để khôi phục lại rừng phòng hộ, vừa bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân sinh sống ven khu vực.

    Dù vậy, theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, hiện tượng dòng xoáy của biển tại khu vực thị xã Vĩnh Châu diễn ra ngày càng thất thường. Nếu kết hợp cùng thời tiết xấu, nguy cơ xâm thực bờ biển, sạt lở đê biển là rất cao. Thực tế cũng cho thấy, tình trạng sạt lở diễn ra thường xuyên trong thời gian qua đã làm mất nhiều diện tích rừng phòng hộ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đặc biệt là tại những khu vực xung yếu trên địa bàn xã Lai Hòa (đoạn từ giáp ranh tỉnh Bạc Liêu đến cống số 2), với chiều dài khoảng 6 km và trên địa bàn xã Vĩnh Hải (đoạn từ cống 15 đến K47), chiều dài 8,5 km. Đồng chí Mã Chí Thọ - Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Do ngân sách địa phương còn nhiều hạn chế nên đối với những đoạn đã bị sạt lở, chúng tôi chỉ kịp thời khắc phục tạm thời bằng giải pháp đóng cừ bạch đàn, lót vải địa và tấn bao đất để giữ chân đê, tránh ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và dân sinh của người dân. Về lâu dài, kiến nghị tỉnh sớm triển khai thi công Dự án gia cố phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển từ K39 đến K45 (xã Vĩnh Hải), kiến nghị Trung ương đầu tư gia cố chống sạt lở bờ biển đoạn từ K46 đến K47 và từ cống số 3 đến cống số 4 với tổng chiều dài 5.500 m”.

    Riêng tại huyện Cù Lao Dung, do là địa bàn xung yếu nằm giữa sông Hậu, nên hàng năm, tại địa phương thường xuyên xuất hiện các điểm sạt lở do hiện tượng xâm thực từ tác động của thủy triều và dòng chảy, chủ yếu là các khu vực thuộc tuyến đê Tả - Hữu. Tuyến đê Tả - Hữu của huyện có tổng chiều dài khoảng 80 km. Thời gian qua, được sự hỗ trợ, nâng cấp từ các cấp, các ngành, tuyến đê đã phát huy hiệu quả rất tích cực, đảm bảo vai trò phòng, chống triều cường, hạn mặn, cũng như phục vụ tốt nhu cầu sản xuất của người dân. Tuy nhiên, hiện tượng xâm thực nặng từ dòng chảy trên sông Hậu đã làm xuất hiện ngày càng nhiều các điểm sạt lở. Theo thống kê, toàn tuyến hiện có 34 điểm sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài khoảng 5,7 km, nhiều điểm sạt lở đã lấn sâu vào chân đê, nguy cơ đe dọa đến thân đê, điển hình là tuyến đê thuộc địa bàn xã An Thạnh Đông. Đồng chí Trần Thanh Tiền - Chủ tịch UBND xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung cho biết thêm: “Chiều dài tuyến đê Tả - Hữu, đoạn thuộc địa bàn xã An Thạnh Đông là khoảng 18 km. Năm 2022 khi ban bố tình trạng khẩn cấp đối với địa bàn xã thì chỉ có 6 điểm sạt lở. Nhưng đến cuối năm 2023, đầu năm 2024 qua rà soát trên địa bàn xã có đến 33 điểm với chiều dài khoảng 2.800m. Chỉ riêng ngày mùng 2, mùng 3 và mùng 4 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, có đến 6 điểm sạt lở nghiêm trọng, trong đó có 2 điểm sạt đến mí đal của đê. Chúng tôi đã phải huy động lực lượng khắc phục ngay trong những ngày tết”.

    Có thể thấy, diễn biến “dị thường” của thời tiết, khí hậu đã làm xuất hiện ngày càng nhiều các hình thái thiên tai khác nhau với mức độ ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là hiện trạng sạt lở đê sông, đê biển. Nếu không được gia cố, khắc phục kịp thời, tình trạng sạt lở kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến hệ thống đê bao, đe dọa nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của bà con sinh sống quanh khu vực.


Khu dân cư phòng, chống thiên tai tại xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung.

 

    Đồng chí Phạm Tấn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng thông tin thêm về các giải pháp khắc phục nguy cơ sạt lở đê sông, đê biển đang được triển khai: “Huyện Cù Lao Dung được xác định là địa bàn xung yếu nhất của tỉnh Sóc Trăng trong công tác phòng, chống thiên tai. Vì vậy thời gian qua, tỉnh đã tập trung nhiều nguồn lực triển khai các công trình, dự án góp phần khắc phục nguy cơ sạt lở xảy ra tại địa phương. Bên cạnh Dự án nâng cấp tuyến đê Tả, Hữu (giai đoạn 1), Dự án bố trí, ổn định dân cư phòng, chống thiên tai hiện cũng đã cơ bản hoàn thành nhằm từng bước di dời 52 hộ dân sống ven sông có nguy cơ sạt lở cao vào khu vực an toàn để ổn định đời sống và sản xuất. Sắp tới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đề xuất tỉnh tiếp tục bố trí kinh phí để nâng cấp đê Tả - Hữu giai đoạn 2. Đối với các điểm sạt lở có nguy cơ đe dọa đến thân đê, chúng tôi cũng phối hợp với UBND huyện Cù Lao Dung tiến hành khảo sát và có biện pháp khắc phục sớm. Riêng đối với tuyến đê biển của thị xã Vĩnh Châu, hiện nay chúng tôi cũng đang đề xuất với cấp trên nên bố trí kinh phí để gây lại rừng phòng hộ từ chân đê ra đến tuyến kè để đảm bảo chắc chắn, an toàn cho toàn tuyến đê trong thời gian tới. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Kiểm lâm và ngành Thủy lợi cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên quan trắc dòng chảy và mức độ bồi lắng, mức độ xói lở trên bờ biển để kịp thời ứng phó nếu có tình huống thiên tai xảy ra”.

    Cơ quan chuyên môn của tỉnh hiện cũng đang tính đến phương án mang tính ứng phó lâu dài hơn như thực hiện cứng hóa toàn bộ mặt đê hay khép kín đê bao theo hình thức đê liền đê... Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng lưu ý các địa phương thuộc vùng có nguy cơ cao cần nâng cao tinh thần chủ động ứng phó, theo hướng vừa khẩn trương hoàn thiện công trình mới, vừa nỗ lực bảo vệ các công trình hiện có, bảo đảm an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản của người dân.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 54
  • Hôm nay: 7334
  • Trong tuần: 78,041
  • Tất cả: 11,801,361